Những năm tới đây, chuỗi Điện Máy Xanh sẽ là động lực chủ yếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động dù thị trường sẽ phần nào khó khăn hơn.
Bách Hóa Xanh đang xanh
Nhà đầu tư khá quan tâm đến phong cách quản lý hàng tồn kho của Bách Hóa Xanh (BHX). Theo ông Trần Kinh Doanh, CEO của Thế Giới Di Động (MWG): “BHX có công cụ cảnh báo hàng tồn kho chịu rủi ro, rủi ro lớn nhất được kiểm soát, chỉ có BHX mới có công cụ đó”.
Nhân viên BHX sẽ căn cứ vào công cụ này để đưa ra hình thức xử lý thích hợp với hàng tồn kho như giảm giá, hay hủy hàng. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018, Ban lãnh đạo MWG cho biết tỷ lệ hủy hàng tồn tại các của hàng BHX vào khoảng 3%.
Về chiến lược phát triển trong tương lai, BHX kỳ vọng mở rộng 8.000-12.000 cửa hàng trên toàn việt nam, và đạt được 12-15% thị phần thị trường bán lẻ thực phẩm tiêu dùng. MWG tin rằng quy mô thị trường này là 50-70 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với con số 20 tỷ USD là con số mà các hãng lớn hay dùng để đo lường thị trường.
Hiện tại, Ban lãnh đạo MWG dường như đã lạc quan hơn so với thời điểm đầu năm.
Ban đầu, công ty đặt kế hoạch mở 1.000 cửa hàng BHX trong năm nay, nhưng sau đó đã giảm mục tiêu xuống còn 500 cửa hàng. Tuy nhiên, MWG lại điều chỉnh kế hoạch mở rộng lên 600 cửa hàng trong năm 2018 từ 384 cửa hàng hiện tại.
BHX tự tin đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng/tháng cho mỗi cửa hàng mở mới.
Ban lãnh đạo MWG cho rằng BHX vượt trội 2 chuỗi cửa hàng lớn của Indonesia, trong đó có Alfa Mart cả về doanh thu và lợi nhuận. Không những vậy, BHX còn kinh doanh được các mặt hàng khô và mặt hàng tươi sống, trong khi chuỗi của Indonesia chỉ kinh doanh được mặt hàng khô.
Điểm nổi bật trong sự đổi mới kinh doanh chuỗi BHX thời gian qua là việc ban lãnh đạo công ty đã đưa ra mô hình cửa hàng chuẩn lớn hơn để phục vụ các khu vực có nhu cầu cao.
Sau khi nhận thấy nhu cầu cao đột biến tại cửa hàng tiêu chuẩn tại Thủ Đức (160-200m2), doanh thu có lúc lên đến 2,7 tỷ đồng/tháng, MWG quyết định tung ra cửa hàng BHX rộng hơn với 300m2.
Tuy doanh thu có thể cao bất thường trong những ngày đầu do chiết khấu nhiều để thu hút khách hàng, ban lãnh đạo cho rằng hình thức này sẽ thu về ít nhất 4 tỷ đồng doanh thu/cửa hàng/tháng.
Dù vậy, trái với các quan điểm đang thịnh hành, CTCP chứng khoán KIS cho rằng chuỗi BHX chưa thể đóng góp phần lớn vào tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận, hay định giá của toàn bộ giá trị doanh nghiệp của MWG trong ít nhất 5 năm tới được.
Động lực chủ yếu vẫn là Điện Máy Xanh
Theo KIS, lợi thế cạnh tranh của Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) nằm ở thương hiệu lớn, độ phủ rộng (hơn 1.700 cửa hàng khắp 63 tỉnh thành cuối 2017) và việc chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng.
Điểm khác biệt lớn nhất của MWG so với các đối thủ cạnh tranh khác nằm ở việc đi đầu trong chất lượng dịch vụ: từ thái độ tận tâm, trung thực của nhân viên bán hàng, dịch vụ hậu mãi an toàn đến việc phát triển website thân thiện người dùng.
Nhờ vậy, MWG đã giành được thị phần một cách khá thuyết phục trong giai đoạn 3 năm từ 2015 đến 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, hàng điện tử tiêu dùng tăng 28% so với cùng kỳ trong khi ĐMX tăng trưởng 90% trong cùng kỳ và trở thành động lực chính của MWG (đóng góp 56% doanh thu).
MWG đã chuyển đổi một số cửa hàng TGDĐ thành mini ĐMX để tận dụng lợi thế của các địa điểm này và tăng doanh thu của các cửa hàng này bằng cách đa dạng hóa danh mục sản phẩm. MWG cũng có kế hoạch mở thêm 100 cửa hàng ĐMX mới trong những năm tới để nâng thị phần lên 45%.
Tuy nhiên, ngành bán lẻ điện máy cũng đã gần chạm ngưỡng bão hòa sau nhiều năm tăng trưởng mạnh. Theo thống kê của Euromonitor, trên 70% hộ gia đình Việt Nam đã sở hữu những mặt hàng cơ bản như tủ lạnh, máy giặt, tivi, máy tính cá nhân, nồi cơm điện, và khoảng 30% số hộ sở hữu các mặt hàng cao cấp hơn như điều hòa, lò vi sóng, máy hút bụi … Điều này sẽ khiến việc mở cửa hàng mới của MWGkhó khăn hơn.
Ngoài ra, KIS cũng nhận định rủi ro lớn nhất của MWG chính là ngành bán lẻ di động (mobile) có tỷ lệ thâm nhập đã gần mức tối đa, tăng trưởng có nguy cơ đi ngang hoặc sụt giảm trong tương lai.
Hơn nữa, mối đe dọa dài hạn từ kênh E-commerce thay thế các nhà bán lẻ điện tử truyền thống, vốn đang là xu hướng tất yếu ở Mỹ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác.
Đây cũng là điều mà Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng đã lưu ý trong báo cáo gần nhất, sự phát triển của thương mại điện tử là một “quả bom hẹn giờ” với các doanh nghiệp bán lẻ.
Ngoài việc các ông lớn ngành E-commerce từ Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt với chiến lược chi phí thấp như Lazada (Alibaba), Shopee (SEA group) và Tiki (JD.com), chúng tôi tin rằng những tay chơi TMĐT có uy tín từ các thị trường phát triển như Rakuten (Nhật), AeonEshop (Nhật), Lotte (Hàn Quốc) và thậm chí là Amazon (Hoa Kỳ) cũng sẽ tham gia trong dài hạn, góp phần đưa các sản phẩm chất lượng hơn vào thị trường vàtạo ra sức ép cạnh tranh không nhỏ cho miếng bánh E-commerce Việt Nam trong 10-20 năm tới.
Trong cuộc họp nhà đầu tư vừa qua, ban lãnh đạo MWG đã đưa ra những quan điểm khá rõ ràng về tình hình kinh doanh các chuỗi của mình.
Cụ thể, ban lãnh đạo Công ty chia sẻ sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng của ĐMX. Trong 6 tháng đầu 2018, doanh số của MWG từ danh mục điện tử tiêu dùng (CE) tăng vọt 90% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 28% của ngành.
Tăng trưởng nội tại của ĐMX sẽ vẫn mạnh mẽ trong vài năm tới do mức độ thâm nhập CE thấp ở Việt Nam mặc dù tốc độ mở cửa hàng cho DMX đã giảm đáng kể.
Theo số liệu của MWG, Công ty tiếp tục thống trị mảng bán hàng trực tuyến điện thoại di động và CE.
Các trang web của công ty chiếm tổng cộng 56% tổng doanh số bán hàng trực tuyến điện thoại di động và 40% tổng doanh số bán hàng trực tuyến CE tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018.
Tiếp tục phát triển nhờ mô hình bán hàng đa kênh tối ưu, Công ty đặt kế hoạch tăng gấp đôi doanh số bán hàng trực tuyến mỗi năm cho 3-5 năm tới. Kế hoạch này hơn nhiều so với giả định tăng trưởng bán hàng trực tuyến hiện tại là 30-40%/năm trong giai đoạn 2018-2022.
Cũng theo MWG, về thị phần online/offline của mảng điện tử và điện lạnh, cứ 100 sản phẩm bán ra trên toàn thị trường Việt Nam, có tới 95 sản phẩm bán tại cửa hàng và chỉ có 5 sản phẩm bán thông qua kênh online.
Thực tế này là do mặt hàng điện tử, điện lạnh là sản phẩm có giá trị cao nên người tiêu dùng vẫn thích ra cửa hàng để trải nghiệm, được tư vấn về sản phẩm và chọn mua hơn là chỉ đặt mua qua hình ảnh online.
Ngoài ra, sản phẩm này còn đòi hỏi dịch vụ vận chuyển và lắp đặt phức tạp hơn nhiều so với điện thoại hoặc các hàng tiêu dùng khác. Trong 95 sản phẩm bán tại cửa hàng, có 33 sản phẩm bán ra tại các cửa hàng của MWG, tương đương với 34% thị phần offline. Trong 5 sản phẩm bán qua kênh online, có hơn 2 sản phẩm bán ra từ các website của MWG, tương đương với 45% thị phần online.
Theo Nhịp cầu Đầu tư